Giới thiệu Hoạt động chuyên môn, nghiệp vụCông tác trưng bàyTin tức Trưng bày Trưng bày chuyên đềNghiên cứu Khảo cổ họcẤn phẩmDự án BTLSQG Thông tin hữu ích Hỗ trợ
Tác phẩm “Nhật ký trong tù” ra đời gắn liền với sự xuất hiện tên tuổi Hồ Chí Minh và tên tuổi của Người đã gắn liền với tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam trong những thập niên giữa thế kỷ XX.
Đang xem: Nguyễn ái quốc bị quốc dân đảng giam giữ năm nào
Vào ngày 13 tháng 8 năm 1942, từ Cao Bằng, với tên mới là Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trung Quốc với mục đích gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng lấy danh nghĩa là đại biểu của Việt Minh và Phân hội quốc tế phản xâm lược của Việt Nam đi gặp Tưởng Giới Thạch, để tranh thủ sự viện trợ của quốc tế, đồng thời để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng Đồng minh. Khi đó đi có anh Lê Quảng Ba dẫn đường.
Đến ngày 27 tháng 8 năm 1942, sáng sớm, Hồ Chí Minh lên đường đi Bình Mã, có Dương Đào đi cùng để dẫn đường (Lê Quảng Ba ở lại nhà Từ Vĩ Tam), hai người đi đến Túc Vinh (một thị trấn thuộc huyện Thiên Bảo, Quảng Tây, Trung Quốc) thì bị quân tuần cảnh ở trụ sở của Quốc dân Đảng bắt giữ.
Trụ sở xã Túc Vinh, huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nơi chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ Hồ Chí Minh, tháng 8/1942 (nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Về nguyên nhân bắt giữ, theo báo cáo của tướng Trương Phát Khuê – Tư lệnh Đệ tứ chiến khu của Quốc dân Đảng lúc đó là: khi kiểm tra căn cước, tuần cảnh phát hiện ra rằng ngoài chứng minh thư của “Quốc tế phản xâm lược hiệp hội Việt Nam phân hội” ra, Hồ Chí Minh còn mang theo thẻ Hội viên đặc biệt của “Quốc tế tân văn xã”, Giấy thông hành quân dụng của Văn phòng Tư lệnh Đệ tứ chiến khu cấp… Tất cả giấy tờ đều cấp năm 1940, đã quá thời hạn sử dụng, chúng ghi là gián điệp nên bắt giữ (theo sách “Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, tập 2, 1930-1945. Nxb Chính trị Quốc gia).
Kể từ đó, Hồ Chí Minh bị giam giữ, đày ải, chúng giải Người qua 18 nhà tù của 13 huyện của tỉnh Quảng Tây (các nhà tù như: Thiên Bảo, Điền Đông, Quảng Đức, Quế Lâm…). “Hai tay Người bị trói, cổ mang dây xiềng, trước và sau có một tiểu đội cảnh sát, súng lắp đạn sẵn, lưỡi lê sáng lòe. Đến mỗi nhà tù mỗi huyện, nghỉ lại ít hôm rồi lại bị giải đi. Nhà tù thì chật hẹp bẩn thỉu, người bị giam thì đông, không đủ chỗ ngủ cho mọi người”. Chính trong thời gian bị giam giữ, Người đã sáng tác ra hơn 100 bài thơ viết bằng chữ Hán, đó là tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) hiện nay được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Ngày 13 tháng 9 năm 1943, Người được thả tự do ở Liễu Châu và ngay lập tức Người đã bắt liên lạc được với Hội giải phóng Việt Nam, một bộ phận của Việt Minh tại Vân Nam (Trung Quốc) và nhiều tổ chức chống Nhật – Pháp tại đây. Sau đó tập thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh được tập hợp lại trong một cuốn sách đó là tác phẩm: “Nhật ký trong tù” gồm những những bài thơ của Người viết trong cảnh lao tù từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943 (theo sách “Nhật ký trong tù”, Nxb Chính trị Quốc gia).
Trang bìa tác phẩm “ Ngục trung nhật ký” (Ảnh tư liệu BTLSQG)
Tác phẩm “Nhật ký trong tù” là minh chứng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây không những là tác phẩm văn học lớn mà còn là một văn kiện lịch sử quan trọng, thể hiện tư tưởng tình cảm của người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới và có tác dụng giáo dục sâu sắc đối với nhiều thế hệ của người Việt Nam.